Những tuyệt tác hang động bên con đường tơ lụa
- 'Con đường tơ lụa' nối đông - tây thế giới / 'Con đường tơ lụa' của thế kỷ 21 được hoàn thành
Từ trên cao nhìn xuống, khi mặt trời lấp ló bên dãy Côn Luân, rồi vươn từng dải sáng đến rìa phía bắc cao nguyên Tây Tạng và vùng phía nam sa mạc Gobi, những đỉnh núi trắng được tuyết bao phủ trên sắc vàng sa mạc hiện ra. Đây cũng là nơi du khách đến với cuộc hành trình tìm hiểu thế giới Phật giáo xa xưa từ những bức vẽ và chạm khắc trong hang động hàng thế kỷ trước.
Những hang động của lịch sử và tôn giáo
Đó là cảnh tượng choáng ngợp tâm trí chúng tôi – một đoàn 7 người đến từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng tất cả đều bị cuốn hút bởi lịch sử nghệ thuật Trung Quốc. Trong đó Mimi Gardner Gates là trưởng nhóm, và cũng là người gây quỹ bảo tồn điểm đến này – quỹ Đôn Hoàng.
Thành phố Đôn Hoàng ngày nay là nơi tụ tập của chợ đêm và các gian chợ giá rẻ. Thế nhưng trước đây nơi này là một ốc đảo giàu có bên con đường tơ lụa. Các đoàn hành hương đi qua đây với niềm tin vào Phật giáo, còn các thương lái thì mang vàng bạc châu báu từ Trung Á và Ấn Độ.
Đến năm 1400, khi các tuyến đường hàng hải thay thế con đường tơ lụa, Đôn Hoàng dần bị quên lãng. Sa mạc cát khiến một vài hang động bị phá hoặc hư hỏng, nhưng vẫn được lưu giữ ít nhiều. Ngày nay, vẫn còn 735 hang động còn sót lại với gần 500 hang được trang trí và chạm khắc tinh xảo.
Chuỗi hang động Ngọc Lâm tại Đôn Hoàng. |
Người đầu tiên khám phá chuỗi hang động là Langdon Warner, giáo sư sử học và khảo cổ học Harvard vào năm 1924. Ngày ấy đoàn của Warner phải di chuyển 3 tháng từ Bắc Kinh, mất hàng tháng ở lại nơi này, chống chọi với bệnh tật. Còn chúng tôi chỉ mất 3 giờ bay để tới thành phố và 4 ngày ăn ngủ tại khách sạn với bữa sáng được dọn sẵn.
Khi Warner và những người khác tìm đến Đôn Hoàng, họ đã tận mắt chiêm ngưỡng 1.000 năm nghệ thuật vẽ và chạm khắc trong hang động, miêu tả lại lịch sử Trung Quốc gắn liền với niềm tin Phật giáo. Truyền thuyết kể rằng vào năm 366 TCN, một nhà sư tên Nguyệt Tôn đến đây và nhìn thấy 1.000 Đức Phật hiện ra. Bị choáng ngợp bởi cảnh tượng đó, nhà sư đục một hang ngồi thiền bên vách đá cẩm thạch, nơi được biết đến với tên hang Mạc Cao. Nhà sư cùng học trò đã vẽ những bức tranh về Đức Phật cùng cuộc sống hàng ngày lên vách và trần hang.
Sau đó, hơn 1.000 hang động được tạo ra. Trong số này có những hang trở thành miếu thờ, khu sinh hoạt của các nhà sư, hoặc bảo tàng nghệ thuật của một số gia đình giàu có. Tùy vào từng triều đại, các bức vẽ trên hang động có sự khác nhau. Thời nhà Đường, các bức họa được chăm chút lộng lẫy. Thời Tam quốc, nghệ sĩ trang trí hang động bằng hình ảnh người phụ nữ má hồng. Ở nhiều hang động khác lại là cảnh sinh hoạt hàng ngày của dân làng, hoặc những bức tượng tạc Đức Phật và đệ tử của ngài.
Cuộc khám phá về 1.000 năm trước
Hầu hết khách du lịch chỉ có thể thăm 8 hang động trong thời gian 75 phút. Nhưng nhờ có Gates, người đã khám phá nơi này 20 năm trước và gây quỹ bảo tồn Đôn Hoàng, chúng tôi không bị trói buộc cả về không gian và thời gian.
Một chiếc xe buýt chở chúng tôi đến chân núi vào buổi sáng đầu tiên. Nhìn lên, chúng tôi như đang đứng dưới một tổ ong khổng lồ, nơi các hang động xuyên thủng vách đá. Hầu hết phần đá tại đây đều được làm chắc lại bằng bê tông cốt thép vào những năm 1960.
Bức tranh được vẽ trong một hang động của Đôn Hoàng xuất hiện từ thế kỉ X. |
Kích thước của một số tác phẩm điêu khắc rất đáng kinh ngạc. Trong một hang động, chúng tôi được tận mắt thấy một tượng Phật cao 23 m, chạm khắc từ đá, bao phủ bởi thạch cao và được bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài bởi mặt tiền của ngôi đền Cửu Truyện. Trong hang động gần đấy, một tượng Phật cao 15 m của thời nhà Đường được tạc nằm nghiêng về một bên, yên tĩnh nhập Niết bàn.
Ngày thứ 2, chúng tôi leo lên một chiếc xe buýt nhỏ để đến với Ngọc Lâm – một vách đá đầy hang động. Dọc theo tuyến đường là sa mạc và những ngọn núi đỉnh phủ tuyết như nhắc nhở về con đường tơ lụa xa xưa.
Hang động thứ 3 là nơi ấn tượng nhất của vách đá Ngọc Lâm. Các nghệ sĩ của thế kỷ 10 đã trang trí nơi này với những bức tranh vẽ bằng mực và bút lông màu xanh dương, xanh lá. Nơi đây ẩn giấu một bức họa miêu tả phong cảnh thiên nhiên với thác nước duyên dáng bao quanh các tín đồ Phật giáo. Thế nhưng nghệ sĩ tạo nên những tuyệt tác nghệ thuật này thường không được biết đến và chỉ được trả công bằng đồ ăn.
Chúng tôi cũng được gặp gỡ Lưu Tần – nhà sử học nghệ thuật tại học viện Đôn Hoàng. Ông đã chỉ cho chúng tôi những nơi mà các nhà nghiên cứu phương Tây đã đặt chân đến, đồng thời lấy đi không ít các cổ vật quý. Những năm gần đây, nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố rằng kho báu của Đôn Hoàng nên được quay về vị trí của nó.
Đôn Hoàng là một tỉnh nằm ở phía tây Trung Quốc. Nơi đây từng là điểm dừng chân nổi tiếng của con đường tơ lụa. Du khách có thể đến với Đôn Hoàng từ Bắc Kinh với chuyến bay của Air China. Nơi đây cũng có nhiều khách sạn để chọn lựa, điển hình là Dunhoang Silk Road Hotel. |
Xem thêm: Từ Caravanseral đến điểm cuối con đường tơ lụa
Lam Vy (theo The New York Times)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét