Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

Nguyễn Văn Thọ viết 'Quyên' như món nợ cần trả

Nguyễn Văn Thọ viết 'Quyên' như món nợ cần trả

Nguyễn Văn Thọ viết 'Quyên' như món nợ cần trả

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Văn Thọ do vừa ra mắt. Ông chia sẻ với eVăn.vnexpress.net về những câu chuyện của "Quyên".

Phan Thanh Phong

- Trong ngày ra mắt "Quyên", ông đã đọc lời tự bạch của mình. Tại sao ông lại chọn cách làm như vậy?

- Mỗi nhà văn có quyền làm theo cách riêng. Tôi coi tiểu thuyết Quyên là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học cá nhân. Nhiều nhà văn khác không làm như vậy, đấy là quyền của họ. Hơn nữa, khi Quyên được công bố với bạn đọc, tôi rất muốn có lời mở sách, nên Tự bạch một phần như lời mở sách; và cũng là dịp tôi muốn chia sẻ những quan niệm về văn chương và nhận thức cá nhân trong các vấn đề mà ở tiểu thuyết Quyên đã hoặc chưa đề cập. Tự bạch được viết rất chân thành, dung dị, tựa lời tâm tình của một người biết người biết mình, muốn được chia sẻ.

- "Quyên" được nhận xét là viết theo lối cổ điển, không có nhiều tìm tòi đóng góp cho văn học đương đại. Ông nghĩ sao?

- Với Quyên, đối tượng bạn đọc đầu tiên tôi nhắm vào là những Thợ khách và gia đình họ ở trong nước, vì vậy tôi chọn hướng đi lấy cái lõi kinh điển về cấu trúc. Nhưng cái bình ấy phải mang rượu mới. Cốt thức này, trước hết giúp người đọc bình dân tiếp cận ngay được với nó. Quyên không có gì làm mới theo cách hiểu của vài người hiện nay, nếu cho sự làm mới là phải cố tình rối tung lên, thậm chí sao cho mọi sự chuyện của đời sống vốn dung dị trở thành khó hiểu…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

- Ông có thể nói rõ hơn về "Quyên"?

- Trước hết, nói về cấu trúc, mạch chuyện Quyên vẫn giữ theo hình thức chương hồi, gồm 18 chương, song đại bộ phận, nhiều chương được viết như một truyện ngắn độc lập hay gần như độc lập. Đây là vấn đề rất khó thao tác khi mỗi chương vừa là một thực thể độc lập lại là một bộ phận logic với toàn cuốn sách. Điều này không chỉ là sự cố gắng về mặt thi pháp tiểu thuyết, mà còn hàm chứa việc triển khai từng vấn đề nhỏ trong một tổng thể để đạt tính tiểu thuyết. Trên thế giới không có nhiều tác giả lắm đã thành công theo cách này. Trong thời đại “thông tin - số hóa”, khi con người ít thời gian và phát sợ trước các cuốn tiểu thuyết dầy cộp, thì cách thức này có thể giúp bạn đọc đọc đơn lẻ từng chương mà không chán.

Điều thứ hai là ở tiểu thuyết Quyên có sự kết hợp giữa ngôn ngữ điện ảnh và ngôn ngữ văn học. Đây là một vấn đề mới không chỉ ở văn học, ở nhiều loại hình nghệ thuật khác cũng có hình thức giao lưu, tận dụng các thế mạnh của từng loại hình nghệ thuật, kết hợp với nhau làm cho mỗi tác phẩm trở nên cuốn hút, sinh động, hấp dẫn hơn. Ở văn học, cụ thể là trong cuốn tiểu thuyết này, với các trang viết ăm ắp hình, bạn đọc thấy ngay, rất rõ sự họat động của nhân vật, hành động như xem cuốn phim bằng chữ. Tất cả những điều ấy hệt như một kịch bản phim, nhưng lại viết không khô cứng, có văn diễn trình bằng ngôn ngữ, hình tượng của văn học. Người ta gọi đây là những trang chữ có hình. Tay tổ của lối viết này sinh ra tại Mỹ tên là Stephen King.

Thứ ba là ở Quyên, việc dàn dựng tiết tấu nhanh và nhiều kịch tính, không chậm chạp lê thê như các cuốn tiểu thuyết ở các thập kỷ trước. Đồng thời Quyên có nhiều đoạn kết nối, đan chen như phóng sự về đời sống thực tại của hệ thống nhân vật. Nó làm tác phẩm hư cấu có hơi thở đời sống. Đó cũng là cách hiện nay nhiều tiểu thuyết gia trên thế giới áp dụng. Trong Quyên còn có rất nhiều thủ pháp khi xây dựng tâm lí và hành động của nhân vật, cách đặt tên nhân vật, tình huống mang tính ẩn dụ hay gợi mở...

Toàn bộ những điểm trên đã tạo cho Quyên ự hấp dẫn. Tôi cho rằng, một cuốn sách nếu không hấp dẫn thì không có bạn đọc và như vậy tác giả sẽ thất bại.

- Nhiều trang viết của ông đầy các chi tiết rất bạo liệt, điều ấy cũng giống như khi ông tổ chức các truyện ngắn. Vậy trong "Quyên", sự khác nhau giữa ngôn ngữ truyện ngắn và tiểu thuyểt ở chỗ nào?

- Đó là điều tôi quan tâm và trăn trở rất lâu khi cầm bút viết Quyên. Nếu như một nhà văn thành công ở thể tài truyện ngắn lại mang mọi kinh nghiệm và kỹ thuật của nó chuyển vào các trang viết ở tiểu thuyết thì sẽ thất bại. Văn học đương đại Việt Nam đã có trường hợp như vậy, với bài học kinh nghiệm điển hình là từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông là đại danh bút về truyện ngắn nhưng bước sang thể lọai tiểu thuyết đã thất bại.

Trước khi viết Quyên, tôi đã suy nghĩ nhiều về thất bại của người đi trước ấy. Cái khó ở đây, khi viết Quyên, là tiểu thuyết nhưng lại có nhiều chương như truyện ngắn độc lập. Do vậy vấn đề dung hoà giữa ngôn ngữ truyện ngắn và tiểu thuyết là điều rất quan trọng. Ở truyện ngắn độc lập, mọi chi tiết thường được dồn nén cô đặc nhất. Khi triển khai thành một liên hoàn truyện ngắn thì ở tiểu thuyết cho phép người ta nhấn nhá mở rộng hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa kéo dài chi tiết từ một truyện ngắn biến thành... tiểu thuyết! Đây là vấn đề hết sức khó khăn của một nhà văn, nhất là khi tự tôi lần mò viết cuốn tiểu tuyết đầu tay không hề có chút kinh nghiệm nào.

Việc tập hợp nhiều vấn đề ở từng chương - từng truyện ngắn độc lập - để xâu chuỗi thành một tiểu thuyết sẽ tạo ra hiệu ứng “các vòng tròn đồng tâm”. Diễn tiến của nhân vật và hành động của họ phải phục vụ một thuyết nào đó, chứ không phải chỉ là kể ra một câu chuyện có thật hay không có thật.

Trong Quyên có chi tiết bạo liệt, tốc độ tiết tấu dồn dập, thậm chí không né tránh các chi tiết sex, mà cinema gọi là cận cảnh. Thủ pháp này tôi đã thành công ở truyện ngắn, nay áp dụng nó trong tiểu thuyết nhằm xây dựng không khí truyện. Tận dụng thế mạnh riêng của từng nhà văn là điều cần làm và chính điều ấy cũng nói lên cái riêng của mỗi nhà văn. Sự khác nhau ở ngôn ngữ tiểu thuyết và truyện ngắn không nằm ở từng câu văn mà là ở tổng thể, từ cấu trúc tới các thủ pháp triển khai mạch truyện, chi tiết, và xây dựng tuyến nhân vật, đặc biệt là tâm lí nhân vật… Một đằng là cô đặc, một đằng là được nới rộng. Xin nhấn mạnh: Sự nới rộng biên độ của các vấn đề trong tiểu thuyết đã cho phép nhà văn tạo nên nhiều nhánh rẽ để tập hợp thành một tiểu thuyết.

Bìa cuốn 'Quyên'.

Bìa cuốn "Quyên".

- Nói như vậy tiểu thuyết khó hơn truyện ngắn?

- Mỗi thể loại văn học đều có cái khó riêng của nó. Khi đến tuyệt đỉnh thì truyện ngắn hay tiểu thuyết đều đòi người viết phải nắm chắc được mẹo luật mà mỗi thể loại có những đặc thù riêng. Ở tiểu thuyết, do độ dài và các chiều kích khác với truyện ngắn, nên đòi hỏi tác giả phải công phu hơn, sức đi trường hơi hơn và tốn nhiều lao động hơn. Với truyện ngắn, cái khó nằm ở sự cảm hứng. Cảm hứng ào ạt và tức thì sẽ giúp nhà văn vượt qua mọi trở ngại để nhanh chóng viết xong một câu chuyện. Nhưng với tiểu thuyết cảm hứng mới là cái cần chứ chưa đủ. Để viết hàng vài trăm trang, mà vẫn tạo nên những trang chữ có sức nặng, nhà văn phải không chỉ duy trì cảm hứng còn phải huy động vốn sống, vốn văn hoá, tri thức như tổ chức một trận đánh lớn. Từ mảnh đất quen thuộc là truyện ngắn, tôi viết Quyên rất khó nhọc. Nhiều lúc tưởng cạn hơi kiệt sức.

- Nhân vật xuyên suốt tác phẩm "Quyên" là cô gái tên Quyên. Đó có phải là hiện thực, một nguyên mẫu nào đó được phản ánh trong tác phẩm của ông không?

- Tôi viết Quyên trong nỗi ám ảnh về sự được và mất chính của cá nhân tôi và bè bạn tôi trên xứ người. Có thể nói, từng trang viết đều thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt. Có nghĩa rằng, với hai chục năm trải nghiệm ở xứ người, đủ thứ ái ố hỉ nộ, tôi đã được tập hợp, gạn lọc mà tạo dựng nên Quyên. Tôi viết Quyên tựa vào sự trải nghiệm của cá nhân ở tâm thế người cầm bút, trong một tâm thức khát vọng về cái đẹp, sự bình yên của đời người mà chủ yếu nằm trong tình yêu. Quyên, một mặt không tách rời cuộc sống thực, có được nhiều và mất cũng nhiều, trong đó phải kể đến sự ê chề nhục nhã khi người ta phải rời xa quê hương ra xứ người kiếm ăn. Nhưng không có nghĩa là Quyên chụp ảnh lại sự thật. Quyên quả thực mang một bóng hình tôi khao khát được yêu và sống vượt qua mọi thử thách để tự hoàn thiện. Điểm xuất phát khi tôi đặt bút viết Quyên là sự xúc động của tôi trước một mối tình có thật của một cô gái (không phải tên Quyên) với một chàng trai tên là Kumar. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tới thăm họ. Cũng chỉ có như vậy rồi Quyên được xây dựng hoàn toàn khác với cuộc sống có thực của đôi bạn này. Có thể nói nó - tiểu thuyết Quyên - là “giấc mơ Quyên” của cá nhân tôi. Bạn đọc có thể nhận thấy, mỗi nhân vật xoay quanh Quyên có khuôn mặt riêng, số phận khác nhau, nhưng đều có nét chung: dù lao khổ bất hạnh ra sao, họ đều nhìn thẳng vào sự thật, không giả dối và né tránh sự thật tàn nhẫn và, cuối cùng là khao khát được yên hàn và hạnh phúc.

- Trong tiểu thuyết này có nhiều nhân vật quay quanh Quyên. Cuộc sống ly hương đầy vui buồn, liệu cuốn sách của anh có phản ảnh hết mọi trăn trở của một Nguyễn Văn Thọ vừa tư cách Thợ Khách vừa tư cách nhà văn hay không?

- Tôi vẫn quan niệm, sự sai lầm của một anh Thợ khách chỉ tổn hại tới anh ta hay gia đình của anh ấy mà thôi, còn sai lầm của một nhà văn thì ảnh hưởng không nhỏ. Chí ít là một lượng bạn đọc đúng bằng lượng sách xuất bản. Quyên quả thật chưa hàm chứa hết vấn đề anh Thợ khách Thọ tôi đã trải qua khiến nhà văn Thọ suy nghĩ trăn trở. Tôi hy vọng sẽ có đủ thời gian và sức khoẻ viết cuốn tiểu thuyết nữa, với biên độ rộng hơn, nói về vấn đề di dân, về sự được mất, ưu khuyết của Việt tính. Một mảng sống để viết, mà các nhà văn trong nước không có điều kiện như tôi, là cuộc chiến nhìn từ xa. Đây là vấn đề chưa ai đề cập thì phải? Tôi coi cuốn sách như một món nợ cần trả.

Có một cô gái Hà Nội gốc tên Quyên nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao bất ngờ, như con thuyền nhỏ lênh đênh ở xứ người chính ngay giữa đồng bào mình.

Phan Thanh Phong thực hiện

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét