Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

Cô gái Bạc Liêu kinh doanh túi vải không dệt

Cô gái Bạc Liêu kinh doanh túi vải không dệt

Cô gái Bạc Liêu kinh doanh túi vải không dệt Rời vị trí quản lý tại một công ty Nhật Bản, Nguyễn Thị Cẩm Loan tìm hướng đi riêng cho mình với túi vải không dệt.
  • Chuyên gia Cisco bỏ việc nghìn đô để theo nông nghiệp / Lương nghìn đô chỉ để ngủ

Loan sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em ở vùng quê nghèo Bạc Liêu, thi đậu hệ cao đẳng Đại học Hoa Sen chuyên ngành kinh doanh xuất nhập khẩu. Nhưng với quan niệm con gái học cao để làm gì, cha mẹ không muốn cô đi học vì ở độ tuổi này các bạn đồng lứa dưới quê đều đã lấy chồng.

Cố gắng thuyết phục gia đình, Loan may mắn trở thành người duy nhất trong xóm được lên TP HCM học. Ra trường, cô tìm cơ hội được làm trong công ty nước ngoài kiếm tiền phụ giúp gia đình và nuôi em ăn học. Với tinh thần làm việc trách nhiệm, Loan được tín nhiệm và giao cho quản lý quy trình sản xuất sản phẩm túi vải không dệt tại một công ty Nhật Bản.

Làm trong lĩnh vực này, Loan nhận thấy đây là sản phẩm không chỉ kinh doanh tốt mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tại Nhật Bản, túi vải không dệt được sử dụng phổ biến nhưng lại chưa phát triển ở Việt Nam, trong khi đó ô nhiễm "trắng" ngày càng nặng nề hơn khi người dân lạm dụng sử dụng túi nilon. 

Loan-2-JPG_1443600937.jpg

Nguyễn Thị Cẩm Loan với sản phẩm túi vải không dệt.

Cuối năm 2013, Loan quyết định ngừng công việc ổn định có thu nhập cao và thành lập công ty chuyên kinh doanh túi vải không dệt với thương hiệu L'eco.

Từng có thu nhập cả nghìn đôla mỗi tháng, nhưng cô gái quê Bạc Liêu không tích lũy đủ tài chính vì phải lo cho gia đình và 3 người em. Khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn với số vốn nhỏ, laptop và chiếc máy để in hợp đồng, Loan xây dựng một website có nội dung đáp ứng nhu cầu thông tin của những người muốn tìm hiểu về sản phẩm này vì túi vải không dệt khá lạ lẫm với người tiêu dùng.

Loại túi này không dệt, mà được làm từ hạt nhựa PP (polypropylene), sử dụng công nghệ ép nhiệt và kiểm soát không chứa các chất độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Túi có khả năng chống thấm, giặt được và sử dụng nhiều lần, đặc biệt là phân hủy nhanh.

Trong bốn tháng đầu tiên, chia sẻ hơn 100 vài viết trên website, nhưng Loan vẫn không nhận được đơn hàng nào. "Tôi kiên trì viết và chia sẻ kiến thức, không giấu giếm bất kỳ điều gì", Loan chia sẻ.

Đến tháng thứ 6, cô nhận được đơn hàngtrị giá 600 triệu đồng. Không thể tự sản xuất, nhưng nhờ mối quan hệ với các đơn vị gia công từ hồi còn làm ở công ty cũ, Loan đã được hỗ trợ nhiệt tình.

Cũng nhờ đơn hàng này, cô gái trẻ quê Bạc Liêu có số vốn 70 triệu đồng để đầu tư xây một xưởng nhỏ với diện tích 100m2, đặt 6 máy may để may mẫu và cắt vải. Với lợi thế hiểu hết quy trình sản xuất sản phẩm, đánh giá được nhà máy, tìm nguồn nguyên liệu, Loan tìm được đối tác là các công ty chuyên gia công về phần in ấn, tráng màng PP ở Long An, Tiền Giang và TP HCM giúp tiết kiệm chi phí. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, với mỗi đơn hàng cô đều là người giám sát quy trình sản xuất, đóng gói. Công đoạn cần nhiều yếu tố kỹ thuật thì cô trực tiếp hướng dẫn.

Để tạo sự khác biệt của sản phẩm, Loan chọn lựa mực in tốt, chú trọng đến đường may kỹ. Sau đó, cô xây dựng một đội ngũ nhân viên riêng biệt chỉ để kiểm tra chất lượng nguyên liệu hạt nhựa, kích thước sản phẩm và từng công đoạn trong lúc may hàng loạt trước khi đóng gói để hạn chế rủi ro, tránh lỗi cả nguyên đơn hàng. Những khách hàng khó, Loan phải trực tiếp kiểm tra để tránh sai sót.

Từng làm việc với người Nhật nên Loan học được cách thiết kế sản phẩm đơn giản mà sang trọng, kết hợp màu sắc hài hòa, cách tư vấn để khách hàng có được mẫu mã sản phẩm ưng ý nhất và cách ứng xử khi hợp tác cũng như giải quyết các vấn đề. Song, cô cũng gặp không ít khó khăn vì đây là một sản phẩm bị cạnh tranh bởi túi nilon giá rẻ và túi giấy.

"So với túi nilon thì mức giá của tôi cao hơn 15%. Nhưng vì luôn hướng đến sản phẩm chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sáng tạo, vì thế tôi chọn lọc đối tượng khách hàng chứ không thể hạ chất lượng để cạnh tranh về giá", Loan phân tích.

Với kinh nghiệm xuất nhập khẩu, sau một thời gian, Loan mạnh dạn hướng ra thị trường nước ngoài với các đối tác chiến lược từ Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ. Mỗi tháng công ty xuất khẩu 2-3 container hàng (300.000 sản phẩm mỗi container), còn thị trường trong nước hiện cho doanh thu trung bình 300 triệu đồng mỗi tháng. Vào dịp lễ, tết có tháng đạt tới hơn 1,5 tỷ đồng.

Hiện nay công ty Loan đã có được lượng khách hàng ổn định. Trong thời gian tới, cô sẽ cung ứng ra thị trường dịch vụ đánh giá nhà máy, năng lực sản xuất cho các công ty nước ngoài về sản phẩm này. Cô gái sinh năm 1985 mơ ước trong 3 năm tới sẽ tích lũy đủ vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Diễm Phạm

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét