Chỉnh gene phôi thai người - cuộc chiến giữa kỹ thuật và đạo đức
- Tranh cãi về công nghệ tạo những em bé hoàn hảo
Bà Emmanuelle Charpentier, nổi tiếng nhờ công trình về kỹ thuật chỉnh sửa gene Crispr-Cas9 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AP |
Theo Guardian, đây là hội nghị thượng đỉnh quốc tế diễn ra từ ngày 1-3/12 do các cơ quan khoa học quốc gia Anh, Mỹ, Trung Quốc tổ chức, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ 20 quốc gia. Hội nghị thảo luận vấn đề sử dụng công nghệ mới để sửa chữa, loại bỏ hoặc thêm ADN vào bộ gene của sinh vật.
Các kỹ thuật chỉnh sửa gene, điển hình là Crispr-Cas9 với ưu điểm đơn giản, đã được sử dụng với số lượng thí nghiệm tăng đáng kể trong hai năm qua. Sự phát triển nhanh chóng này đã khiến giới khoa học phải nhóm họp để đưa ra các nguyên tắc sử dụng kỹ thuật này trong tương lai.
Trong ba ngày, các nhà khoa học, luật sư và chuyên gia đạo đức thảo luận các vấn đề: tiềm năng của liệu pháp này cho các mô trưởng thành, như tế bào máu và cơ bắp; vấn đề đạo đức của việc chỉnh sửa phôi thai với mục đích nghiên cứu, và quan trọng nhất, thay đổi ADN phôi thai người để ngăn chặn các căn bệnh di truyền được chấp nhận và hữu ích hay không.
Trong tương lai, liệu pháp dòng mầm có thể được sử dụng để giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các bệnh khác bằng cách loại bỏ các gene có nguy cơ cao.
Đầu năm nay, quốc hội Anh đã bỏ phiếu cho phép một phương pháp gọi là "chuyển giao ty thể ở phôi thai người", một liệu pháp thực nghiệm nhằm ngăn ngừa các bệnh di truyền hiếm gặp từ mẹ sang con. Luật cấm bất kỳ hình thức nào khác của biến đổi gene phôi thai, trừ khi dùng cho mục đích nghiên cứu, và phôi hiến tặng trong trường hợp này cũng phải tiêu hủy sau 14 ngày.
Về nguyên tắc, chỉnh sửa gene có thể giúp các cặp vợ chồng ngăn chặn việc chuyển các rối loạn di truyền sang con cái. Nếu sớm xác định được các lỗi do di truyền, họ có thể sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để tạo ra phôi thai và sửa chữa các gene bị lỗi trong giai đoạn này. Tuy nhiên, liệu pháp dòng mầm này không chỉ ảnh hưởng tới đứa trẻ chưa ra đời, mà còn ảnh hưởng cả tới các thế hệ sau. Nếu quy trình gây ra các tổn hại không mong muốn, sẽ rất khó để sửa chữa. Những người phản đối liệu pháp này cho rằng các cặp vợ chồng có thể tránh được vấn đề này bằng cách sử dụng trứng hoặc tinh trùng hiến tặng, hoặc nhận con nuôi.
"Sẽ là thiếu trách nhiệm nếu tiến hành ứng dụng lâm sàng phương pháp chỉnh sửa dòng mầm trong khi các vấn đề về an toàn và tính hiệu quả chưa được giải quyết, các tiêu chí này dựa trên những hiểu biết thích hợp, sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích tiềm năng, các khả năng thay thế, sự đồng thuận rộng rãi của xã hội và sự phù hợp của ứng dụng được đề xuất", Ủy ban hội nghị phát biểu.
Ủy ban cũng khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh chỉnh sửa gene cho các liệu pháp khác không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai, như sửa chữa các gene gây ra bệnh thiếu máu do hồng cầu lưỡi liềm hay cải thiện khả năng của hệ miễn dịch, có thể tấn công các tế bào ung thư. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn những rủi ro, như trong tuyên bố của Ủy ban đã cảnh báo "cần phải hiểu rõ về những rủi ro, như chỉnh sửa không chính xác, cũng như các lợi ích tiềm năng của mỗi ứng dụng chỉnh sửa gene được đề xuất".
Paul Knoepfler, một nhà sinh học tế bào của Đại học California, nói rằng một mặt ông đồng ý với sự cần thiết phải có thêm nhiều nghiên cứu cơ bản và tiến bộ trong liệu pháp chỉnh sửa các mô trưởng thành, mặt khác cũng hy vọng có các quy định chặt chẽ hơn trong việc thay đổi phôi thai người cho các mục đích lâm sàng. Ông là tác giả một cuốn sách về biến đổi gene sắp xuất bản.
Ủy ban hội nghị cũng thừa nhận rằng các vấn đề về an toàn chưa được xem xét kỹ và nhiều nước đang có các pháp lệnh hoặc quy định cấm chỉnh sửa dòng mầm, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi rằng có nên hợp thức hóa liệu pháp này trong các hội nghị về sau.
"Khi những tiến bộ khoa học và cách nhìn xã hội phát triển, việc sử dụng lâm sàng chỉnh sửa dòng mầm nên được xem xét lại thường xuyên hơn", trích tuyên bố của ủy ban.
Theo Nature, trong năm tới, các nhà khoa học và đạo đức học của ba quốc gia chủ chốt là Mỹ, Anh và Trung Quốc sẽ tiếp tục nhóm họp để xem xét các vấn đề nêu ra tại hội nghị lần này, và đưa ra tuyên bố cuối cùng vào cuối năm 2016.
Nguyễn Thành Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét