'Tiếng trống Mê Linh' tăng suất diễn theo yêu cầu khán giả
Các khán giả ở độ tuổi 70-80, dù ngồi xe lăn, chống gậy hay được con cháu dìu vẫn quyết đến xem đêm cải lương kỷ niệm 64 năm lập đoàn Thanh Minh - Thanh Nga.
- Nghệ sĩ vượt giới hạn tuổi tác, hết mình với 'Bên cầu dệt lụa'
Chương trình nghệ thuật "Chút tình gởi lại nhân gian" của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả ở nhiều độ tuổi, nhất là thế hệ khán giả xưa, vốn là những người từng được sống trong thời hoàng kim của cải lương miền Nam thập niên trước. Suất diễn của chương trình vào các đêm 1-2/3 vừa qua thường xuyên trong tình trạng cháy vé. Trong hai suất tiếp theo vào tối 8-9/3, vé được bán hết trước một tuần.
Theo yêu cầu của rất nhiều khán giả, ban tổ chức quyết định tăng thêm một suất vở Tiếng trống Mê Linh vào 15h ngày 9/3 tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP HCM. "Việc tăng suất như thế này là điều hoàn toàn bất ngờ với chúng tôi. Để có thêm một buổi diễn nữa là một cố gắng rất lớn của các anh chị em, cô chú nghệ sĩ. Nhưng vì tình cảm yêu quý của khán giả dành cho mình, chúng tôi chuẩn bị cho suất chiếu 9/3 với đầy đủ thành phần nghệ sĩ như cũ, hy vọng giúp cho những khán giả yêu thích vở diễn có cơ hội được thưởng thức chương trình", diễn viên Gia Bảo - bầu sô đêm diễn - chia sẻ.
Chương trình "Chút tình gửi lại nhân gian" không chỉ được xem là ngày hội cải lương của người trong nghề mà còn là dịp ít ỏi sân khấu cổ truyền ở TP HCM được sống lại thời vàng son.
Để chuẩn bị cho mỗi đêm diễn, một lực lượng nghệ sĩ hùng hậu thuộc nhiều thế hệ diễn viên tài năng như: Phượng Liên, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Hùng Minh, Hồng Nga, NSND Lệ Thủy, Bảo Quốc, Kiều Mai Lý, Vũ Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy... cùng các nghệ sĩ trẻ đã "cháy" hết mình. Dù tuổi tác và sức khỏe của nhiều nghệ sĩ không như xưa, họ vẫn dốc sức cho nhân vật. Ở mỗi vở, đạo diễn chương trình sắp xếp những kíp nghệ sĩ diễn thay vai. Như với Bên cầu dệt lụa, Hồng Loan - Phượng Liên thay nhau vai tiểu thư Quỳnh Nga, hay ở Tiếng trống Mê Linh, nghệ sĩ Vũ Linh - Thanh Sang thay nhau vai Thi Sách. Phong độ của mỗi nghệ sĩ có thể khác nhau, nhưng tình yêu nghề là sợi chỉ xuyên suốt kết nối họ trong toàn bộ tác phẩm.
Trong bối cảnh cải lương hiện nay, diễn được một vài trích đoạn cho chỉn chu, tử tế trực tiếp trên sân khấu đã khó, để diễn được một tác phẩm kinh điển trọn vẹn với thời lượng khoảng 3 tiếng đồng hồ lại càng khó hơn. Nhưng các nghệ sĩ đã làm được một điều là sẵn sàng dành thời gian, tâm sức cho lần diễn này.
Phượng Liên và Phương Hồng Thủy (phải) làm Trưng Trắc - Trưng Nhị ở nửa sau vở diễn. |
Đáp lại tấm lòng của các nghệ sĩ, khán giả cũng có sự cộng hưởng tuyệt vời, tạo nên không khí rộn ràng, náo nức. Mỗi đêm, người xem đến trước giờ khai màn khá sớm. Họ tranh thủ ngắm triển lãm ảnh các nghệ sĩ cải lương một thời vang bóng của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bức ảnh chân dung khổ to của cố nghệ sĩ Thanh Nga được đặt trang trọng ở cửa vào rạp hát. Khi ngồi thưởng thức vở, khán giả im lặng ở những cảnh nhiều cảm xúc, rồi liên tục dành tràng pháo tay cho mỗi lần nghệ sĩ xuống một câu vọng cổ. Một nghệ sĩ vừa xuất hiện trên sân khấu, mọi người lại ồ lên: "Lâu rồi mới thấy lại Thanh Sang nè", "Phượng Hồng Thủy đẹp quá", "Lệ Thủy lớn tuổi mà hát ngọt quá trời"...
Các đêm của chương trình "Chút tình gửi lại nhân gian" đều đông kín khán giả. |
Những lời tấm tắc của các khán giả lớn tuổi như truyền thêm động lực để nghệ sĩ làm tròn vai diễn của mình dù ai cũng có thể nhận ra: khi diễn cảnh quỳ gối tế chồng Thi Sách, Trưng Trắc do Phượng Liên thể hiện phải khá vất vả mới đứng dậy chứ không còn nét nhanh nhẹn như xưa. Hay ở độ tuổi 71, Thanh Sang đã quá già cho vai Thi Sách. Nam nghệ sĩ không thể di chuyển nhiều mà chỉ gần như đứng yên một chỗ hát. Dù vậy, tấm lòng mà khán giả dành cho nghệ sĩ là tấm lòng dành cho cả một thế hệ diễn viên cải lương máu lửa với nghề. Người xem như đang tìm lại hình bóng thời vàng son của nghệ sĩ, của cải lương, sẵn sàng bỏ qua vài tiểu tiết mà họ hiểu chỉ là do yếu tố tuổi tác.
Chị Bích Nga, nhà ở quận 5, TP HCM xúc động chia sẻ, vốn rất mê cải lương, nhiều năm nay, chị ít có cơ hội được đến sân khấu xem vở diễn trọn vẹn vì sân khấu cải lương chỉ hoạt động cầm chừng, thưa thớt. Vì vậy, được dịp này, chị và một người bạn phải đi xem cho bằng được. Không kịp đặt vé trước nên chị phải mua vé "chợ đen" hai suất Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa vào tối 1-2/3, mất hết hơn 2 triệu đồng. "Ngồi xem mà thích quá. Các cô chú nghệ sĩ ai cũng dễ thương. Nhưng điều khiến tôi vui nhất là tôi được sống lại cảm giác ngày xưa còn nhỏ được mẹ dẫn đi xem cải lương ở rạp Hào Huê, Hàm Tử. Ngày đó mình chưa hiểu rõ nội dung vở diễn nhưng cải lương đã ngấm vào mình. Giờ được xem lại các cô chú ngày xưa, phải nói, họ thật bền bỉ với nghề", nữ khán giả chia sẻ.
Bà Quách Quỳnh Mai và con trai đi xem cải lương. |
Trong đêm diễn Tiếng trống Mê Linh vào ngày 2/3, có một hình ảnh khiến mọi người đều xúc động: bà Quách Quỳnh Mai (73 tuổi) ngồi trên xe lăn ở giữa hai hàng ghế chính. Con trai bà Mai cho biết, bà cùng tuổi với nghệ sĩ Thanh Nga và là một "fan cuồng nhiệt" của cố nghệ sĩ. "Mẹ tôi giờ lãng tai, bị bệnh ngồi xe lăn nhiều năm nhưng bà rất mê nghe hát, bắt con phải đi mua vé xem vở diễn lần này cho bằng được. Bà ngồi xem rất chăm chú, thỉnh thoảng còn khen 'hay quá' ", người con trai kể.
Không chỉ có khán giả ở TP HCM, nhiều người từ An Giang, Cà Mau và những tỉnh xa cũng đón xe đi về Sài Gòn trong đêm để xem lại hai vở cải lương yêu thích của họ.
"Bên cầu dệt lụa" còn suất 19h ngày 9/3. Còn Tiếng trống Mê Linh diễn vào 19h ngày 8/3 và 15h ngày 9/3.
* Video: Trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh" |
Bài, ảnh Thất Sơn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét