Việt Nam giành quyền phát triển viễn thông cho Myanmar
- FPT báo lãi gần 1.200 tỷ đồng sau 5 tháng
Giấy phép có hiệu lực từ ngày 6/7, thời hạn 15 năm, cho phép FPT triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở cho việc phát triển dịch vụ Internet tại đây. Với giấy phép này, tập đoàn có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai, bảo trì, cho thuê hạ tầng viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền hạ tầng mạng như truyền hình qua Internet (IPTV), trò chơi trực tuyến (Game Online), báo điện tử (e-News), thương mại điện tử (e-Commerce), tên miền (Domain), lưu trữ website chuyên biệt (Hosting),....
Hiện tại, 6 tập đoàn lớn trong nước của Myanmar đã được nhận giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. FPT là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép này.
FPT là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp phép triển khai dịch vụ viễn thông tại Myanmar. |
"Năng lực và kinh nghiệm thực tế trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông tại thị trường các nước đang phát triển như Campuchia, Việt Nam cùng với cam kết đầu tư nghiêm túc, lâu dài là các yếu tố chính đã giúp FPT thuyết phục được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar trong quyết định cấp phép này", ông Dương Dũng Triều, Phó tổng giám đốc Phụ trách Toàn cầu hoá của FPT cho hay.
Dự kiến, sau khi nhận giấy phép, FPT sẽ triển khai các dịch vụ như kết nối hạ tầng các công ty, nhà máy từ những khu vực khác nhau; đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng hạ tầng viễn thông để sớm có thể khai thác tiềm năng lớn từ thị trường này.
Với dân số khoảng 56 triệu người, tỷ lệ tiếp cận Internet ngày càng cao trong khi chất lượng đường truyền hiện ở mức rất thấp, Myanmar hiện được coi là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030.
Myanmar cũng được xác định là một trong những thị trường trọng điểm trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT. Tháng 2/2013, Tập đoàn đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar và đến tháng 7 cùng năm, Công ty FPT Myanmar được thành lập nhằm tìm kiếm và khai thác các cơ hội kinh doanh và phát triển tại quốc gia này. Hiện tại, FPT Myanmar có 60 nhân viên, trong đó 35 nhân viên là người bản địa. Năm 2014, FPT Myanmar ghi nhận doanh thu đạt 13,5 triệu USD.
Nhiều doanh nghiệp viễn thông khác của Việt Nam cũng có tham vọng đặt chân vào thị trường Myanmar. Năm 2013, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tham gia đấu thấu cung cấp dịch vụ viễn thông tại đây nhưng thất bại. Đơn vị này vẫn quyết đầu tư vào Myanmar và lập hẳn một nghị quyết liên quan đến xứ Chùa Vàng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) năm ngoái cũng đã khai trương văn phòng đại diện tại thành phố Yangon (Myanmar) để làm bước đệm thâm nhập vào thị trường còn nhiều tiềm năng này.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Myanmar trên nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, xây dựng với những cái tên lớn như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hay Công ty Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình.
Tại một thị trường khác là Nhật Bản, FPT đặt mục tiêu đạt 600 triệu USD doanh thu vào năm 2020, góp phần hoàn thành mục tiêu một tỷ USD toàn cầu hóa. Theo ông Dương Dũng Triều, hơn 23% doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam để cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (đứng thứ 2 trên thế giới). FPT đang đẩy mạnh triển khai Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư Cầu nối Việt - Nhật để đáp ứng tốc độ tăng trưởng trên 30% mỗi năm của thị trường này. |
Phương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét