Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Chủ tịch Vinaxuki cầu cứu Thủ tướng

Chủ tịch Vinaxuki cầu cứu Thủ tướng

Chủ tịch Vinaxuki cầu cứu Thủ tướng Nợ 600 tỷ đồng, phải thế chấp tài sản với giá rẻ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) vừa gửi tâm thư 12 trang chia sẻ khó khăn cũng như đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp và ngành ôtô.
  • Vẫn được mua nhà, ôtô bằng tiền mặt

Trong thư gửi Thủ tướng, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki kiến nghị các giải pháp nhằm gỡ khó cho ngành sản xuất ôtô, vốn phát triển ì ạch nhiều năm qua và đang chịu nhiều áp lực từ xe nhập khẩu, khi hạn giảm thuế về 0% vào năm 2018 đến gần.

Theo ông Hiên, để phát triển, Việt Nam cần có dòng ôtô chiến lược đáp ứng nhu cầu số đông là xe tải nhỏ có tổng trọng tải dưới 5 tấn, xe chở người có dung tích xi lanh nhỏ hơn 1300cc… Mục tiêu của ngành phải là sản xuất ra những mẫu tốt, bền rẻ đẹp hợp với thị trường và xuất khẩu sang châu Phi, Nam Mỹ và các nước ASEAN. Để cạnh tranh với các nước, ngành ôtô cần nhận được nhiều ưu đãi trong 10 năm đầu.

Cũng theo vị chủ doanh nghiệp này, chiến lược công nghiệp ôtô là thực hiện kế hoạch sản xuất linh kiện, phụ tùng nhưng doanh nghiệp lại không dám đầu tư bởi quá tốn kém. Vốn vay ưu đãi từ ngân hàng khó khăn khiến doanh nghiệp mất lòng tin. "Ngân hàng quá ăn chắc, lãi suất nợ quá hạn lại cao, nếu cơ cấu lại vốn, lãi suất cho vay thấp hơn thì sẽ không xảy ra tình trạng nhà cửa, máy móc thiết bị lãng phí", ông Huyên giãi bày.

vinaxuki-0-7260-1392866065.jpg

Chủ tịch Vinaxuki Bùi Ngọc Huyên đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để gỡ khó cho ngành ôtô.

Chủ tịch Vinaxuki cho rằng, cái thiếu nhất của doanh nghiệp nội là vốn đầu tư và vốn lưu động. Để hình thành nền công nghiệp ôtô, vị này cho rằng thay vì dựa vào doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần cho vay vốn đầu tư mới hoặc chuyển dư nợ vay đầu tư từ Ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Phát triển từ 10 năm trở đi, lãi suất dưới 5%.

"Các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam, họ không phải mang nhiệm vụ giúp đỡ phát triển công nghiệp ôtô. Họ tính toán rất chi li, mang phụ tùng tự sản xuất, hay mua của các nước đến Việt Nam lắp ráp. Nhờ có thương hiệu mạnh, họ tiêu thụ được nhiều và lợi nhuận cao", ông Huyên thẳng thắn.

Với doanh nghiệp mình, vị chủ tịch này cho biết bản thân Vinaxuki cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện đơn vị này đang hoàn thiện nhiều nhà máy quan trọng như nhà máy luyện, đúc hợp kim, xưởng chế tạo khuôn, xưởng láp ráp xe con và xe tải nhẹ bán tự động. Tuy nhiên, chính sự đầu tư này đã đẩy Vinaxuki rơi vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng.

Ông Huyên cho biết, tổng dư nợ của Vinaxuki tính đến ngày 31/12/2013 là 600 tỷ đồng. Doanh nghiệp của ông đã đề nghị Vietcombank và BIDV cho vay thêm nhưng không được, vì hiện hai ngân hàng này vẫn chưa thực hiện xong việc tái cơ cấu vốn cho công ty.

"Đến nay, Vinaxuki đang thực sự khó khăn, nhiều ngân hàng muốn cho chúng tôi vay vốn song tài sản của chúng tôi đã được cầm cố tại các ngân hàng của Việt Nam, số tài sản đó nếu bình thường có thể thế chấp vay thêm được 400 tỷ đồng. Chúng tôi phải thế chấp 2.800 tấn khuôn với giá 8.400 đồng mỗi kg như giá sắt vụn", ông viết.

Trước tình cảnh khó khăn, Vinaxuki đề nghị Chính phủ trực tiếp giúp đỡ, được chuyển khoản nợ vay đầu tư cả lãi là 630 tỷ đồng sang vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam thời hạn 8 năm. "Vinaxuki hứa sẽ hợp tác trong nước chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dập và sản xuất một số chi tiết mà chúng tôi chế tạo với giá thành chỉ bằng 50-80% khuôn nhập khẩu", ông Huyên cam kết.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành, ông Huyên đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm giá tính thuế cho loại xe 4 chỗ động cơ dung tích xi lanh dưới 1300 cc từ 45% xuống 25%, xe 7 chỗ giảm từ 45% xuống còn 15%. Các loại xe động cơ dung tích xi lanh dưới 1500 cc chỉ nên giảm từ 45% xuống còn 35% để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu tránh ách tắc giao thông.

Trước đề xuất nêu trên của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Theo đó, đại diện Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu các đề xuất để thực hiện chiến lược quy hoạch công nghiệp ôtô, bao gồm chọn dòng xe chiến lược, chính sách thuế, tiếp cận vốn và vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước... Kết quả xem xét cần báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2014.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét kiến nghị chuyển vốn vay cho Vinaxuki và trả lời doanh nghiệp. Trường hợp vượt thẩm quyền, có thể báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Hoàng Lan

, ,

0 nhận xét:

Đăng nhận xét