Đại gia ngoại thống lĩnh thị trường thương mại điện tử
Đại gia ngoại thống lĩnh thị trường thương mại điện tử
Thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó khi chứng kiến nhiều đại gia ngoại sẵn sàng chi hàng triệu USD mở rộng thị trường hoặc mua lại cổ phần. - Thứ trưởng Công Thương: 'Quản lý thương mại điện tử cần thay đổi'
Hãng thương mại điện tử Lazada vừa đánh dấu tròn 3 năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Điều đáng nể là theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, trang lazada.vn đã vượt qua 216 sàn giao dịch thương mại điện tử khác trong nước để đứng đầu về doanh thu, chiếm 36,1% thị phần trong năm 2014. Tiếp nối là các trang sendo.vn với doanh thu cao thứ nhì chiếm 14,4%, zalora.vn đứng thứ 3 với 7,2% thị phần, tiki.vn nắm giữ 5,4%, ebay.vn là 3,6%...
Ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, năm 2014 doanh thu của Lazada đạt khoảng 524,5 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm trước đó, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn thị trường (tăng gấp đôi). Trong năm này, số sản phẩm bán ra của công ty đạt 300.000 món và hiện có trên 1.500 nhà bán hàng. Tổng kết lại, sau 3 năm hoạt động, Lazada đã có nửa triệu khách hàng, hơn 200 triệu lượt truy cập.
Vào cuối năm ngoái, Lazada Group - trung tâm điều hành kênh mua sắm trực tuyến số một Đông Nam Á công bố đã nhận được khoản vốn đầu tư mới lên đến 200 triệu euro (gần 250 triệu USD) từ các tập đoàn lớn Temasek (Singapore), Rocket Internet (Đức), Kinnevik và Verlinvest để phát triển 6 thị trường ở khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trả lời VnExpress việc Lazada Việt Nam nhận được bao nhiêu từ nguồn vốn đầu tư mới này, ông Alexandre Dardy nói hãy tạm chia bình quân số tiền trên cho 6 thị trường, tức khoảng hơn 40 triệu USD.
Theo Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, giao nhận hàng hóa là một trong những thách thức lớn của thương mại điện tử trong giai đoạn sắp tới. "Trong năm nay chúng tôi sẽ triển khai chương trình giao hàng trong ngày hoặc đến ngày hôm sau tại TP HCM và Hà Nội thay vì phải mất 4-5 ngày", ông nói.
Ngoài những đối tác cung cấp hàng, hiện nay Lazada cũng có nhãn hàng thời trang riêng LZD được công ty thiết kế và thuê gia công sản xuất ở Trung Quốc. Lazada đang có kế hoạch tìm các đối tác Việt Nam để gia công sản phẩm thời trang LZD để tiêu thụ trong nước và có thể xuất khẩu.
Thương mại điện tử Việt hứa hẹn đón thêm nhiều nhà đầu tư mới. Ảnh: Anh Quân.
|
Nhận nguồn đầu tư mạnh từ Đức, Carmudi - Sàn giao dịch thương mại trực tuyến chuyên về ôtô, xe máy được bảo trợ bởi Rocket Internet vừa cho biết sẽ đầu tư 25 triệu USD vào các thị trường ở châu Á và châu Mỹ Latinh. Trong đó, châu Á sẽ chiếm 75% vốn, 25% còn lại thuộc Mỹ La Tinh.
Tại châu Á, hãng này tập trung vào Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam hãng sẽ đầu tư mạnh mẽ trong vòng 12-18 tháng tới với mức vốn xoay quanh vài triệu USD nhằm giúp Carmudi Việt Nam trở thành nền tảng số một trong lĩnh thực thương mại điện tử mua bán xe hơi và gắn máy.
Ra mắt vào tháng 10/2013, Carmudi được biết đến với tư cách sàn giao dịch trực tuyến chuyên cung cấp những giải pháp mua bán ôtô, xe máy… Hiện đơn vị này có mặt ở 20 quốc gia. Tại Việt Nam, Carmudi chính thức đi vào hoạt động vào tháng 2/2014.
Một thương vụ đầu tư đáng chú ý khác trong năm qua là việc 3 nhà đầu tư thuộc lĩnh vực internet của Nhật Bản đã chen chân vào thương mại điện tử Việt Nam khi nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty cổ phần Sen Đỏ - Sendo, đơn vị trực thuộc Tập đoàn FPT.
Không tiết lộ giá trị đầu tư, tuy nhiên, SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị của công ty này, đồng thời giúp Sendo tiếp cận với mạng lưới khách hàng và đối tác của họ trên toàn cầu mà còn hỗ trợ đào tạo mạng lưới bán hàng và mở rộng danh mục hàng hóa.
Trong khi đó trang thương mại điện tử đứng thứ 4 hiện nay là Tiki cũng đã bán 22% cổ phần cho đối tác ngoại.
Như vậy, với tiềm lực ngày càng mạnh, các nhà đầu tư ngoại đang dần lấn át các doanh nghiệp Việt trên thị trường. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy, gần 220 sàn giao dịch thương mại điện tử tham gia khảo sát mang lại doanh thu hơn 1.660 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu của top 10 website dẫn đầu thị trường đang nắm giữ đến 75% doanh thu.
Đối với tổng doanh thu từ thương mại điện tử B2C (giữa doanh nghiệp với khách hàng) tại Việt Nam năm 2014 đạt 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Dẫu vậy, doanh thu đến từ các nhà đầu tư ngoại chiếm ưu thế hơn, với tỷ lệ chiếm 59% tổng doanh thu ngành, tăng 15% so với mức 44% của năm 2013.
Với mức tăng trưởng khá ấn tượng của các doanh nghiệp ngoại trong 2014, Cục này dự báo doanh thu thương mại điện tử Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi sau 2 năm.
Trao đổi với VnExpress.net trước đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thị trường thương mại điện tử đang bước sang trang mới. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp ngoại thúc đẩy thị trường phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Từ đó, người tiêu dùng sẽ chọn được những sản phẩm tốt trên thị trường với giá hấp dẫn nhất.
"Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước cùng với việc nỗ lực đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp nội và ngoại thì thương mại điện tử còn bùng nổ mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần", ông Hưng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, hiện nay sức cạnh tranh trên thị trường tuy chưa gay gắt nhưng cũng đang dần tạo áp lực cho các doanh nghiệp Việt. Nếu họ không nhanh chân nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, đưa ra những tiện ích phù hợp thì chỉ trong chớp nhoáng sẽ mất ngay thị phần và bị đào thải.
Thi Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét