Nhà hàng, quán nhậu lo tiêu cực nếu cấm bán rượu bia sau 22h
Nhà hàng, quán nhậu lo tiêu cực nếu cấm bán rượu bia sau 22h
Dự thảo phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia khiến nhiều đơn vị kinh doanh sợ sẽ xảy ra nhiều tiêu cực dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí khiến giá cả leo thang. - Bộ Y tế đề xuất 3 phương án cấm giờ bán rượu bia
Trước nhiều ý kiến được đưa ra sau quy định cấm bán rượu bia sau 22h tại dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, ngày 23/7, Bộ Y tế tiếp tục điều chỉnh văn bản này. Cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến nới rộng khoảng thời gian cấm từ 22h tới 6h sáng hôm sau, thay vì dừng lại ở 24h như phương án trước đó.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đưa ra 3 phương án cụ thể để thực hiện. Một là cấm bán tại một số địa điểm nhất định và có lộ trình do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn khu phố Tây nơi khách du lịch đến nhiều thì cho phép bán sau 22h. Phương án hai cho phép Chủ tịch UBND tỉnh, thành quy định địa điểm, thời gian cấm. Phương án cuối cùng là hạn chế tác hại rượu bia bằng kiểm soát nguồn cung và các biện pháp khác, chưa định thời gian cấm bán trong dự thảo Luật.
Trao đổi về những hướng quy định này, chủ một quán nhậu trên đường Cách mạng tháng 8 (quận 10, TP HCM) cho rằng dù có thay đổi, song dự luật nêu trên, nếu được thực hiện vẫn khiến việc kinh doanh của ông gặp khó. Bởi, trên thực tế, nhiều khách do đặc thù công việc, 20h-21h mới bắt đầu vào quán. Họ ăn uống có khi đến 24h mới tan.
"Như vậy, nếu tuân theo quy định thì chẳng lẽ đến 22h là chúng tôi phải đuổi khách. Mà nếu lấy lại số bia khách đang uống dở cũng không được, để lại thì sợ cơ quan quản lý phạt. Nếu quy định này đi vào thực tiễn chắc chúng tôi buộc phải chuyển mô hình kinh doanh, hoặc tìm hướng xử lý mới chứ không sẽ mất uy tín với khách hàng", chủ quán này nói.
Ông cũng cho biết, 20-24h hàng ngày là thời điểm quán có doanh thu tốt và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu có quy định cấm. Mặt khác, quy định chỉ một số khu đặc thù mới được kinh doanh sẽ khiến cho các hàng quán đổ xô tới một địa điểm kinh doanh, dẫn tới tình trạng quá tải, mất an ninh trật tự, hoạt động kinh doanh sẽ phức tạp hơn.
Dự thảo mới của Bộ Y tế có quy định cấm bán rượu bia từ 22h đến 24h khiến nhiều đơn vị kinh doanh bất bình. Ảnh: BHXH.
|
Còn chị Hoa, chủ một quán nhậu ở quận 7 cũng cho biết, thời gian cấm của dự thảo này vẫn chưa hợp lý. Nếu quy định có hiệu lực, trước mắt sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quán với khách hàng quen.
"Quán của tôi đa phần dân nhậu nên hầu hết khách vào quán đều gọi kèm bia. Nếu cấm bán bia sau 22h sẽ khiến cho khách cảm thấy khó chịu và để chiều lòng khách quán có thể sẽ phải lách luật", chị Hoa nói.
Theo chị Hoa, một bất cập nữa là cơ quan quản lý căn cứ vào đâu để kiểm tra, đơn vị nào sẽ thực thi, và nhà chức trách có đảm bảo là minh bạch không? Bởi lẽ, chủ quán nhậu có thể lách luật bằng nhiều cách, thậm chí không sử dụng hóa đơn. Vô hình chung, quy định còn khiến cho quán có cơ hội né thuế. Chính vì thế, chị cho rằng, quy định mới này chưa rõ ràng, các tiêu chí để nhận diện những đơn vị kinh doanh sẽ bị cấm cũng còn mơ hồ.
Tại Hà Nội, trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo một đơn vị kinh doanh chuỗi bar tại ở đây cho biết quy định cấm bán rượu sau 22h nhưng chỉ tập trung ở một số địa bàn nhất định có đông khách du lịch sẽ dẫn đến việc quá tải trong khu vực đó. "Chẳng hạn khu vực phố cổ, những nơi này hiện vốn rất đông, các quán xá chen chúc và kinh doanh xuống tận vỉa hè. Quy định như vậy sẽ khiến giá cả tại đây leo thang, từ phí gửi xe cho đến thuê mặt bằng. Chưa kể đời sống người dân có thể bị ảnh hưởng rất lớn, tệ nạn cũng dễ phát sinh", ông chia sẻ.
Ông Ngô Việt Anh, quản lý một quán rượu trên phố Bảo Khánh nghi ngờ về khả năng áp dụng quy định chỉ cho phép bán đồ uống có cồn trước 22h. Theo ông, đây chưa phải biện pháp tối ưu để quản lý các đơn vị cung cấp.
"Tôi nghĩ thực tế việc cấm đoán này rất khó thực hiện. Hiện thời quận Hoàn Kiếm nói riêng có rất nhiều quán rượu lớn, bé. Thậm chí quán vỉa hè nhiều nơi cũng phục vụ cả rượu bia. Đơn vị quản lý khó có thể kiểm soát cùng lúc tất cả những khu vực này", ông chia sẻ.
Vấn đề nên quản lý, theo vị chủ quán này phải là chất lượng đồ uống. Ông tiết lộ hiện Hà Nội có nhiều quán bar, nhưng không phải nơi nào cũng phục vụ rượu chuẩn. Để tăng thêm doanh thu, một số quán thường chấp nhận rượu lậu và không rõ nguồn gốc.
Do đặc thù, doanh thu chính của quán chủ yếu đến từ việc bán đồ uống có cồn cùng một số món pha chế khác. Ông Việt Anh chia sẻ, nếu dự thảo này đi vào thực tiễn, quán sẽ phần nào bị ảnh hưởng.
Còn ông Quân, quản lý một quán bar ở Hà Nội cũng khẳng định quy định cấm này có thể khiến quán phải đóng cửa. Doanh thu chính của quán bar này đến từ nhiều hoạt động vui chơi giải trí, trong đó nguồn từ bán đồ uống có cồn chiếm đa số.
Trao đổi với VnExpress, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu bia rượu lớn ở TP HCM cũng cho hay, quy định vẫn còn bất cập và thiếu thực tế. Bởi lẽ, hầu hết các cơ sở hoạt động kinh doanh ăn uống về đêm thường gắn với việc sử dụng rượu bia, trong khi đó rất khó để nhận diện chính xác đơn vị nào được bán và không. Vô tình cơ quan quản lý tạo ra sự phân biệt trong kinh doanh, dẫn đến cạnh tranh thiếu lạnh mạnh. Mặt khác, khi cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống (có đăng ký bán rượu bia và đã được cấp phép) hoạt động đến 24h song lại cấm họ bán rượu bia sớm hơn trước đó (chỉ đến 22h) là điều vô lý. thiet bi dien cong nghiep
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia- rượu- nước giải khát Việt Nam cũng khá bức xúc về dự thảo mới này. Ông cho rằng đây là giải pháp "tối sách". Trước khi ra quy định này, theo ông Việt Bộ Y tế nên khảo sát sâu rộng xem tình hình của thị trường như thế nào.
"Gần đây, Thủ Tướng ban hành chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đến năm 2020. Tuy nhiên, phải nghiên cứu xem xét kỹ lạm dụng ở chỗ nào, do ai? Tôi có cảm giác Bộ Y tế chưa làm được việc này, chưa khảo sát kỹ mà lại đưa ra việc cấm, đặc biệt cấm sau 22-24h sẽ khiến du lịch bị ảnh hưởng, sản xuất gặp khó, do vậy việc đưa ra quy định này tôi cho rằng chưa trúng", ông Việt nói.
Một yếu tố nữa mà ông Việt lo lắng là khi đưa ra quy định này ai sẽ là người kiểm soát và thực thi. Trên thế giới cũng đã có nhiều nước đưa ra quy chế này để hạn chế rượu bia nhưng toàn bộ đều thất bại, chẳng lẽ Việt Nam lại tiếp tục giẫm lên vết xe đổ?
Vị chủ tịch này cho biết thêm, hiện nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Dù chưa có quy định cấm chính thức nhưng những doanh nghiệp lớn trong ngành như Sabeco, Habeco doanh thu 6 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ. Nếu tiếp tục cấm chắc chắn tình hình sản xuất của doanh nghiệp sẽ giảm mạnh hơn. Khi tình hình của doanh nghiệp giảm sút sẽ kéo theo tác động dây chuyền, người lao động sẽ không có việc làm, Nhà nước thất thu ngân sách, hàng lậu hàng giả sẽ tuồn vào trong nước nhiều hơn.
Theo ông Việt, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thay vì cấm, cơ quan quản lý nên tuyên truyền và giáo dục người tiêu dùng sử dụng bia rượu ở mức độ an toàn và đúng cách.
Thi Hà - Tường Vi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét