Mỹ chi nhiều triệu USD để ngăn chặn hàng giả trên mạng
Mỹ chi nhiều triệu USD để ngăn chặn hàng giả trên mạng
Tổng số tiền 14,8 triệu USD được chi cho 41 lực lượng đặc nhiệm để điều tra và xử lý các đơn vị kinh doanh sản phẩm giả mạo trên Internet. - Dịch vụ cho vay trực tuyến thách thức các ngân hàng cộng đồng Mỹ / Taylor Swift cùng Alibaba chống hàng giả tại Trung Quốc
Việc mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến. So với cách thức truyền thống, mua đồ trực tuyến thuận tiện cho người tiêu dùng và giá cả thường hợp lý hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn một vấn đề khi người tiêu dùng dễ gặp và mua phải các mặt hàng giả.
Sản phẩm bị lỗi và làm giả thường được bán cho những người tiêu dùng cả tin.
|
Theo Engadget, Bộ Tư pháp Mỹ đang lên kế hoạch chấm dứt tình trạng này. Bộ trưởng Loretta E. Lynch đã công bố kế hoạch chống tội phạm sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn nước Mỹ, trong đó bao gồm khoản tài trợ 3,2 triệu USD cho các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và tiểu bang.
Điểm mấu chốt của chiến lược dẫn đầu bởi lực lượng FBI là các cơ quan chức năng sẽ kết hợp với những website chợ điện tử (như eBay hay Amazon) để đảm bảo các website này có "những công cụ phân tích và kỹ thuật hợp lý để chống lại các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên trang web của họ".
Từ khi thành lập Văn phòng Tư pháp chương trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IPEP) năm 2009, đơn vị đã đầu tư gần 14,8 triệu USD cho 41 lực lượng đặc nhiệm trên toàn nước Mỹ. Các khoản tài trợ đã hỗ trợ việc bắt giữ 3.522 cá nhân, giải thể 1.882 tổ chức vi phạm bản quyền hoặc làm hàng giả, thu giữ hơn 266 triệu USD giá trị sản phẩm giả mạo…
Bộ Tư pháp cũng cho ra mắt trang web sở hữu trí tuệ mới, hỗ trợ các công ty chống lại những thách thức về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Qua đó, cảnh báo người dân về sự gia tăng của những tên tội phạm hàng giả là mối đe dọa đến an ninh công cộng và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Sản phẩm bị lỗi và làm giả thường được bán cho những người tiêu dùng cả tin và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của họ. Trong một vài trường hợp, các hoạt động này còn được sử dụng để tài trợ cho các nhóm tội phạm nguy hiểm hoặc các mạng lưới tội phạm bạo lực, có tổ chức.
Bà Lynch đề cập đến 2 vụ tấn công mạng được xem là dữ dội nhất lịch sử nhằm vào trang bán lẻ trực tuyến Target và hãng phim Sony Pictures. Vị này sử dụng sự kiện trên làm minh chứng về cách các trang web thể hiện rõ mức độ nghiêm trọng khác của tội phạm.
"Thời đại kỹ thuật số đã cách mạng hóa phương thức chúng ta chia sẻ thông tin, lưu trữ dữ liệu, mua sắm hàng hoá và phát triển sản phẩm. Điều này đòi hỏi việc thực thi pháp luật để tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm mạng", bà nói.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết, chiến lược mới của họ sẽ cung cấp cho việc thực thi pháp luật và các công ty những công cụ để xác định tốt hơn và loại bỏ triệt để tất cả các khía cạnh của hàng giả, hàng nhái, bao gồm cả khâu phân phối, sản xuất, quảng cáo và bán hàng. "Tội phạm sẽ bị điều tra bởi FBI và các cơ quan khác của Trung tâm điều phối quyền sở hữu trí tuệ quốc gia và cuối cùng bị Sở Tư pháp truy tố", bà Lunch nhấn mạnh.
Kim Thoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét