Những thăng trầm của kinh tế Việt Nam 2014
Những thăng trầm của kinh tế Việt Nam 2014
Lần đầu tăng trưởng vượt mục tiêu sau 3 năm, lạm phát thấp..., song bức tranh kinh tế vẫn còn đó những nét gợn như năng suất lao động thấp, thương mại phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. - Biến số Biển Đông trong bài toán kinh tế 6 tháng
Ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát cao và suy thoái kinh tế, 3 năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015), mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao vẫn là bài toán khó với nhà điều hành. Tình hình chỉ thay đổi khi bước sang 2014.
Một tháng trước khi kết thúc năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh không giấu sự vui mừng khi thông tin năm nay chắc chắn vượt kế hoạch tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực là những điểm sáng của bức tranh kinh tế năm nay.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 5,98% so với năm ngoái, cao nhất trong ba năm qua. Thành tích này có được sau khi Việt Nam vượt qua nhiều cơn "sóng gió", từ việc gắng sức khôi phục tổng cầu, giảm hàng tốn kho, thúc đẩy tín dụng đến vượt qua biến cố Biển Đông hồi tháng 5.
Tăng trưởng GDP Việt Nam lần đầu vượt mục tiêu sau 3 năm. Ảnh: Anh Quân
|
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam những ngày đầu tháng 5 là "vết gợn" cho môi trường kinh doanh. Các vụ biểu tình quá khích sau đó đã khiến nhiều doanh nghiệp tại khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương phải tạm ngừng hoạt động, xuất nhập khẩu qua biên giới phía Bắc gặp khó khăn. Khách quốc tế cũng "ngại" đến Việt Nam bởi tình hình bất ổn. Thị trường chứng khoán chao đảo khi Vn-Index giảm kỷ lục...
Trong bối cảnh này, các chuyên gia khuyến nghị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm cần hết sức cẩn trọng với biến số "Biển Đông". Tuy nhiên, với sự trấn an kịp thời của nhà điều hành và cam kết đảm bảo cho nhà đầu tư, tác động từ sự kiện trên đã được giảm thiểu. Tình hình kinh tế nửa cuối năm khởi sắc với mức tăng trưởng bình quân trên 6,5%, so với mức 5,2% nửa đầu năm.
Ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhìn nhận, sự quyết tâm trong những giải pháp hỗ trợ thị trường, thúc đẩy sản xuất đã giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn của nửa đầu năm và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai thác dầu khí trở thành đầu tàu.
Kim ngạch xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục 150 tỷ USD, xuất siêu đạt 2 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 2012, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn 20 tỷ USD và kiều hối trên 10 tỷ USD đã tạo điều kiện cho đồng tiền Việt Nam ổn định, điều hành tỷ giá không dùng hết dư địa 2%.
Lạm phát cả năm được kiểm soát ở mức thấp, lãi suất cho vay liên tục giảm, dòng vốn tín dụng chảy mạnh, đặc biệt trong những tháng cuối năm (có tháng tín dụng tăng hơn 2,5%) khiến niềm tin người tiêu dùng tăng, đầu tư của khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình sáng sủa hơn.
>> Toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2014 qua các con số |
Kết quả là quy mô vốn của doanh nghiệp mới thành lập cao hơn năm ngoái và gần 15.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, mức sinh lời cũng phục hồi dần. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau thời gian dài suy giảm, ROA (tỷ lệ sinh lời trên tổng tài sản) và ROE (tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu) của các doanh nghiệp niêm yết 9 tháng đầu năm 2014 lần lượt là 3,8% và 9,4%, tăng tương ứng 0,5 và 1,1 điểm phần trăm so với cùng kì 2013.
Tuy vậy, vẫn còn đó những vết gợn trên bức tranh kinh tế năm nay. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, ở mức 67.800 đơn vị. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, song Việt Nam vẫn chưa thoát lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Năm 2014, nhập siêu từ nước láng giềng phương Bắc này lên gần 29 tỷ USD, cao hơn mức 23,7 tỷ USD năm 2013.
Con số xuất siêu cũng chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp nước ngoài, trong khi khu vực trong nước chủ yếu xuất hàng thô, hàng mới qua sơ chế và hàng gia công. Công nghiệp phụ trợ cũng chậm phát triển. Mặc dù cán cân thương mại thặng dư 2 tỷ USD, song cán cân dịch vụ lại thâm hụt.
Đại diện Vụ Thống kê thương mại nhận định Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn khi nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, dệt may từ Trung Quốc vẫn còn lớn và cần phải có thời gian mới có thể nội địa hóa, tận dụng các cơ hội từ tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Xem thêm thiết bị đóng cắt Mitsubishi
Cải thiện năng suất lao động là vấn đề cấp bách để Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.
|
Câu chuyện năng suất lao động cũng thực sự giáng vào môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, năng suất lao động trong nước chỉ bằng một phần mười tám Singapore, một phần sáu Malaysia và một phần ba Thái Lan, Trung Quốc. Lao động khu vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, máy móc, quy trình công nghệ lạc hậu, quản trị yếu kém... là nguyên nhân tạo nên sự thua kém trên.
Đặc biệt, giá dầu thế giới giảm nhanh và diễn biến khó lường trong bốn tháng cuối năm là điều làm bận lòng nhà điều hành năm nay và cả năm sau. Giá xăng dầu giảm sẽ làm hạ giá thành trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhưng mặt khác, một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ hai trong khu vực Đông Á như Việt Nam không tránh khỏi bị liên lụy như các nước xuất khẩu khác trên thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dầu thô năm 2014 đạt gần 9,2 triệu tấn, trị giá gần 7,2 tỷ USD, tuy tăng 9% về lượng những lại giảm 0,7% về giá trị. Các Bộ, cơ quan nghiên cứu đều đưa ra kịch bản ngân sách sẽ bị tác động hàng chục nghìn tỷ đồng khi giá dầu giảm (mỗi USD giá dầu giảm so với mốc dự toán 100 USD một thùng sẽ làm ngân sách hụt thu 1.000 tỷ đồng), bởi nguồn thu này đang chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong cân đối.
Dưới những tin tức tiêu cực từ thị trường dầu mỏ và việc Mỹ cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3, thị trường chứng khoán Việt Nam sau cú hồi phục vào tháng 8 đã lại lao dốc, có lúc về sát ngưỡng 510 điểm, gần bằng ngưỡng "vạch đỏ" hồi tháng 5. Nhà đầu tư ngoại cũng liên tục rút vốn khỏi thị trường, chỉ từ tháng 6, tổng giá trị bán ròng trên sàn TP HCM lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, lạm một nửa mức mua ròng nửa đầu năm.
Do đó, nếu như câu chuyện nửa cuối năm nay là biến số Biển Đông, thì trong năm tới, giá dầu thô có thể là chủ đề được nhắc tới nhiều nhất, chừng nào hàng hóa này vẫn còn diễn biến khó lường như hiện nay.
Khép lại năm 2014 với cả những nốt thăng và trầm, Việt Nam bước sang năm 2015 với mục tiêu cao hơn, tập trung cho tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm tới mục tiêu tăng trưởng sẽ là 6,2%, lạm phát được kiểm soát ở 5% để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Ủy ban Giám sát tài chính nhận định mục tiêu tăng trưởng này hoàn toàn khả thi, thậm chí quý đầu năm sau đã có thể tăng 5,4%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2014 khi tổng cầu sẽ hồi phục, những chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính, cắt giảm lãi suất... tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, năm 2015 cũng được nhìn nhận là năm nổi bật của quá trình hội nhập khi các Hiệp định thương mại tự do lớn được ký kết, trong đó triển vọng cao là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy vậy, nhà điều hành vẫn phải lưu ý tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế bứt phá, hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, tập trung cải cách thủ tục hành chính, về giảm số giờ nộp thuế, thông quan..., hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tín dụng. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thị trường tài chính, có biện pháp nâng cao năng suất lao động.
Phương Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét